Chiều 10/2, tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: Phát triển mô hình “Lúa thơm-Tôm sạch” vùng Mekong.
Dự hội nghị có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 150 đại biểu đại diện các hợp tác xã, nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hơn 17,3 triệu nông dân, chủ yếu là nông hộ nhỏ và người nghèo trong khu vực. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong bốn đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, nếu không thích ứng, an ninh lương thực, đời sống người dân trong vùng và trên cả nước sẽ bị ảnh hưởng lớn...
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau có lợi thế trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhờ hệ sinh thái tôm-lúa, tôm-rừng, lúa-cá... Nếu có hệ thống thủy lợi tốt có thể tăng thêm 100.000 ha luân canh tôm-lúa và củng cố diện tích tôm-lúa hiện có khoảng 150.000 ha. Sản phẩm gạo ở vùng này có thể đi vào phân khúc thị trường gạo đặc sản có giá cao nhất trên thị trường thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp vùng ven biển vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cần nắm bắt và có giải pháp ứng phó hiệu quả. Đầu tư cho thủy lợi là then chốt cho các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững. Giống lúa cho vùng tôm-lúa và giống tôm cho nuôi tôm cần đặc biệt được quan tâm. Các giống lúa phù hợp cho canh tác hữu cơ trong mô hình tôm-lúa cần được quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp lý về bản quyền giống, về hệ thống sản xuất và cung ứng giống 3 cấp…
Tại hội thảo, nhiều đại biểu và các nhà khoa học nhìn nhận, sau nhiều năm thực hiện mô hình, hiện nay, nông dân đã áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới như: Giống chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học trong canh tác lúa phục vụ cho vùng tôm-lúa, nhất là vùng mở rộng diện tích từ diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang thực hiện mô hình luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, cho hiệu quả cao; ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất.
Đặc biệt, mô hình tôm-lúa tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững. Từ đó cho ra sản phẩm an toàn đáp ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay; đó là cơ sở để mở rộng diện tích tôm-lúa cho những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc nhân rộng mô hình đang gặp nhiều khó khăn, bởi người sản xuất đã quen với tập quán sản xuất cũ, dựa vào kinh nghiệm và điều kiện thực tại của họ. Bên cạnh đó, kinh tế và kỹ thuật nông hộ không đồng đều, đa phần cuộc sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên chưa mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất manh mún, thiếu tính liên kết, thiếu sự vào cuộc của các bên liên quan, thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu…
Đáng chú ý, tại hội thảo, nhiều ý kiến mạnh dạn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, vướng mắc về sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.